29 thg 7, 2011

Xu hướng tái hợp sau hôn nhân

đổ vỡ trong hôn nhân dù chỉ là một lần cũng khiến cho những người trong cuộc hoài nghi và mất niềm tin trong cuộc sống, đặc biệt là vấn đề tìm một nửa đích thực của mình. Thay vì tìm hiểu một đối tượng mới thì xu hướng “thuyền về bến cũ” đang chiếm một tỷ lệ lớn.




NUỐI TIẾC HÔN NHÂN
Không ít người kể cả những đối tượng đã kết hôn quan niệm hôn nhân là nút thắt giết chết tình yêu. Tuy nhiên, đó chỉ là khía cạnh hạn chế mà nhân tố quyết định không ai khác chính là những người trong cuộc. Một sự chuẩn bị chưa chắc chắn và những mơ ước còn rời xa thực tế khiến sau khi kết hôn họ hụt hẫng và bắt đầu chán nản. Cảm giác muốn được tự do, những trách nhiệm trở nên quá nặng ngày càng lấn sâu trong suy nghĩ khiến tình cảm dành cho người bạn đời ngày càng ít đi. Sự quan tâm dành cho chồng, vợ không còn nằm trong giới hạn của cuộc sống mỗi người, và không bao lâu cuộc hôn nhân gãy đỗ là điều tất yếu. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian xa nhau, cuộc sống của những người trong cuộc bắt đầu có sự chuyển biến. Có thể ban đầu mọi thứ như mong muốn, được tự do, tự quyết nhưng khi một trong hai người muốn “đi thêm bước nữa” thì vấn đề này lại gây cho họ nhiều áp lực tâm lý, dù đã ly hôn trong một thời gian dài. Một nghiên cứu của nhà xã hội học nổi tiếng ở Mỹ - bà Allerstein vừa được công bố kết quả về tình trạng hậu ly hôn. Đối tượng nghiên cứu của công trình này là những người thuộc tầng lớp tri thức, giàu có, sau một khoảng thời gian ly hôn khá dài (10 năm) thì có đến 60% người chồng và 40% người vợ khẳng định tâm lý mình bất ổn khi muốn “đi thêm bước nữa” với người khác. Trong họ vẫn có một tình cảm tiếc nuối về cuộc hôn nhân đã gãy đỗ hay cảm thấy “không bình thường” khi gặp lại người xưa, những kỷ vật, ký ức tác động nhiều khi họ quyết định có nên “đi thêm bước” hay không. Bà Allerstein khẳng định, cuộc hôn nhân đấu tiên luôn để lại những “ám ảnh” khó phai và gây nhiều chuyển biến tâm lý cho những người muốn đi tìm hạnh phúc mới. Tuy vậy, để quay lại với nhau họ cũng không dễ dàng gì, những tác động khách quan đặc biệt là tâm lý là nguyên nhân cản trở lớn nhất. Ở VN, các cặp vợ chồng đã ly hôn sẽ gặp không ít khó khăn khi muốn quay lại với nhau, thế nhưng hiện tượng này dần dần đang trở thành xu hướng chung cho những cuộc hôn nhân sớm đến hồi kết thúc. Cảm giác lo lắng và mất tự tin khi kết hôn lần nữa thường xuất hiện, đơn giản chỉ là sự so sánh những ưu thế giữa người cũ và người mới. Họ không đảm bảo sẽ chắc chắn hạnh phúc khi làm lại từ đầu, vì thế một câu hỏi được đặt ra là: “Liệu những người đã từng thấy mất tự do trong hôn nhân, sau khi “giải thoát” có được hạnh phúc không?”. 70% các cặp đã chia tay ở Trung Quốc cho rằng họ đã sai lầm khi quyết định chia tay, sự mất tự do trong hôn nhân chỉ là những cảm xúc thái hóa giữa đời sống bình thường. Đi tìm một người bạn đời khác là hiển nhiên nhưng nếu có cơ hội và điều kiện những người trong cuộc sẵn sàng quay lại với nhau.

HÀN GẮN “MẢNH VỠ”
Hầu như ở các nước Đông Nam Á, những cặp đôi muốn quay lại với nhau sau hôn nhân đều chủ động, tự quyết, dù gia đình tác động khuyên họ nên. Đơn giản là họ đã không sống được với nhau nên mới li dị, vậy thì hàn gắn không phải là lựa chọn hoàn hảo. Ở các nước phương Tây, tư tưởng này dễ dàng được chấp nhận, theo thống kê của Viện nghiên cứu dân số học ở Pháp thì trong năm 2007 có đến 130.000 cuộc li hôn, nhưng trong đó có rất nhiều cặp muốn hàn gắn vì trong mắt họ không ai có thể bằng người cũ về mọi khía cạnh. Tiếp đó hai năm, tháng 11/2009, một hội chợ dành riêng cho những người đã ly hôn được diễn ra thu hút hơn 4.000 người tham gia chỉ trong ngày khai mạc. Điều này cho thấy, xu hướng tái hợp hôn nhân đang ngày càng gia tăng. Vấn đề con cái cũng là nguyên nhân để các cặp vợ chồng níu kéo với nhau. Với những cặp vợ chồng đã sống với nhau lâu thì các thói quen trong sinh hoạt, đời sống tác động nhiều đến tâm lý của họ. Riêng quan niệm hôn nhân vì con cái đã giúp nhiều cặp vợ chồng sẵn sàng mở lòng hơn trong quá trình tái hợp này. Ban đầu chỉ đơn thuần là sư chia sẻ, trao đổi nhưng sau là nhận thức tái hôn với người khác sẽ không hoàn toàn tốt cho con cái nên ly hôn chỉ là thử thách để hai bên nhận ra sự cần thiết của nhau trong đời sống chung. Nhưng với những đôi vợ chồng chưa có sự ràng buộc với nhau về con cái thì tái hợp là cả một quá trình. Ly hôn như khoảng thời gian để họ quay về cuộc sống độc thân và tự do tìm một đối tượng mới và khi không tìm thấy sự hòa hợp thì người cũ luôn là khuôn mẫu cho những sự so sánh, do đó, họ dễ dàng tìm về nhau hơn bất cứ khi nào có điều kiện. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều trung tâm dịch vụ đã “ăn nên làm ra” trong lĩnh vực làm chiếc cầu nối, thậm chí là tạo điều kiện, mở các tour cho những cặp muốn hàn gắn mối quan hệ lại với nhau.

LỜI KẾT
Gãy đỗ trong hôn nhân là điều không ai muốn nhưng nếu đây là giải pháp tối ưu thì các cặp vợ chồng nên xác định rõ nguyên nhân của kết thúc này. Quay lại với nhau dù là chưa hay đã có con cái thì cũng không là vấn đề, điều quan tâm là ngọn lửa kia có thể sáng hơn lúc trước khi tắt hay không. Cũng không có một quy định hay rào cản nào với những ai mong muốn nối lại tình xưa, quan điểm vì con chỉ là một yếu tố nhỏ để tạo cơ hội cho quá trình tái hợp. Có thể dấu mốc ly hôn là bước ngoặt để cả hai cùng nhìn nhận đúng hơn về hôn nhân nên xu hướng “thuyền về bến cũ” cũng không có gì khó chấp nhận. Không ai phản đối hay chỉ trích việc tái hợp của những người trong cuộc thật sự muốn “gương vỡ lại lành”.


Nhiều bậc phụ huynh cho rằng việc “đi thêm bước” sẽ là xáo trộn đời sống và tâm lý của con cái, họ suy nghĩ nhiều cho con hơn nên tái hợp sau hôn nhân vẫn được xem là giải pháp tối ưu.