20 thg 7, 2011

Tôi nghỉ dạy học để đi buôn

Bố tôi bảo:“Thiên hạ người ta học kinh tế đàng hoàng, kinh nghiệm đầy mình mà làm ăn còn “chết dở” nữa là cái mã mày”. Cái “mã” tôi ngày đó, bảy năm trước, là một cô giáo dạy văn THPT, mới ra trường 2 năm. Kiến thức kinh doanh, cả lý thuyết lẫn thực hành, tôi chả có lấy một dúm nào.
Nhưng anh chồng lại bảo: “Em cứ làm đi, buôn bán gì cũng được. Thất bại cũng tốt. Chỉ cần em dám làm. Nếu lỗ ít thì coi như mình đi du lịch hết. Nếu lỗ nhiều thì coi như mình bị ung thư rồi chữa khỏi, bao nhiêu tiền cũng còn rẻ chán!”. Chúng tôi chỉ có một tí vốn liếng, đúng là tôi sợ thua mất tiền nên chưa dám quyết sách gì.
Anh còn bảo: “Em thích kinh doanh, nghĩ ra bao nhiêu ý tưởng mà chẳng dám làm thì cũng coi như không, cái gì cũng phải có khởi đầu thì mới có phát triển. Đừng nghe bố mẹ ngăn cản, suy nghĩ mỗi thời mỗi khác”. Quả thật, bố mẹ hai bên kịch liệt phản đối mọi ý tưởng buôn bán, kinh doanh của tôi. Các cụ muốn “ít nhất phải có một đứa ổn định trong nhà nước”. Bởi chồng tôi khi đó đã cổ phần với bạn bè một công ty phần mềm. Anh chỉ muốn tôi làm việc mà mình đam mê thực sự, đó là kinh doanh, mà tôi thì vẫn còn “lăn tăn” do sợ “mất lòng” các cụ. Thậm chí anh còn xúi tôi chơi số đề cho “gan to thêm vài lạng”, không cần biết thua hay thắng, chỉ để tăng sự mạnh dạn, dám “đầu tư” một cái gì đó.
Rồi thì tôi cũng quyết định mà không cần “oánh” con đề nào cả.
“Quả” đầu tiên tôi mua đất (bằng tiền của vợ chồng ông anh trai). Thất bại thê thảm, do tin cậy người giới thiệu, mua xong mới ‘vỡ nhẽ” không làm được sổ đỏ. Thế là “toi” một đống tiền, phát ngượng với cả nhà. Và bố mẹ càng phản đối mạnh hơn. Nhưng tôi thì khác, tôi bắt đầu quyết chí “phục thù”. Tôi lặng lẽ trang bị thật tốt kỹ năng học Văn - Tiếng Việt cho học sinh của mình. Chờ các em thi xong, nghỉ hè, tôi cũng nghỉ dạy luôn. Cái văn bằng cao học cũng dở dang từ đó…
“Quả” thứ hai tôi giấu biệt các cụ, mở một cửa hàng, lần này tôi thành công. Cửa hàng của tôi hiện nay đã được 6 năm, có thương hiệu trên thị trường, có uy tín trong cùng lĩnh vực. Tôi có những sản phẩm “độc chiêu” thiết kế riêng được chị em phụ nữ rất hài lòng, doanh thu tốt cho dù chỉ nằm trên một con phố nhỏ. Tôi luôn suy nghĩ để nâng cao chất lượng, mẫu mã các mặt hàng. Cả về cách thức bán hàng và việc quản lý nữa (để còn yên tâm giao phó cho nhân viên). Làm tốt nhất mọi việc để có được một thành công không phải là điều dễ dàng và nhàn hạ. Nếu không say mê, không yêu nghề thì sẽ nhanh “oải” lắm ! Khó mà sáng tạo được, càng khó mà vượt lên những cạnh tranh để có “bản sắc” riêng của mình.
“Quả” thứ ba là thấy có gian hàng vị trí đẹp, tiềm năng tốt. Tôi thuê luôn, mở một cửa hàng tự chọn. Diện tích không hoành tráng nhưng bày biện đẹp và đầy ắp các mặt hàng, mọi người vẫn gọi đùa là “siêu thị mini”. Tôi cũng rất thành công. Hàng tiêu dùng “ăn thua” nhau ở vốn dày, kho rộng và đủ mặt hàng, bán rẻ, phục vụ nhanh. Tiền lãi tính theo % thì không nhiều nhưng trên một số tiền khá lớn nên cũng không ít. Hơn nữa thu nhập rất ổn định và đều như “vắt chanh” hàng ngày, hàng tháng. Chỉ có điều kinh doanh cửa hàng này mất nhiều thời gian, từ sáng sớm đến 10h tối, khó mà giao phó cho nhân viên được. Cách đây 6 tháng, dù rất tiếc, tôi đành phải nghỉ vì bận bắt tay vào ý tưởng mới. Tính ra tôi cũng có thêm một số tiền giắt lưng, cùng với những hiểu biết và kinh nghiệm nữa. Tôi học được cách thức kinh doanh của nhiều người, nhiều hãng (từ chính cái việc họ bán hàng cho tôi).
Việc buôn bán làm tôi cảm thấy rất vui sướng, tôi say mê làm việc mà không mệt mỏi. Mẹ tôi bảo: “mày đúng là bị Giời đày, ngồi yên một phút cũng không chịu nổi”. Có lẽ thế thật, và ông Giời còn gắn thêm cho tôi một cái mặt rất “dày” nữa thì phải. Nhiều người vẫn đánh giá bán hàng là việc làm thấp kém, không dành cho người có học. Đối với họ một công việc “sang” phải có cái “mác” thật đẹp. Hoặc có buôn bán thì cũng là “cái gì” to tát, hoành tráng, chứ không phải là đồ ăn, đồ uống, đồ dùng như cái “siêu thị mini” này. Kệ họ, tôi không hề thấy xấu hổ, ngượng ngùng hay mặc cảm một tí nào hết. Nếu được lựa chọn lại tôi vẫn theo con đường ấy, chỉ có điều là sớm hơn mà thôi.
Thực ra trên bề mặt trái đất này có mấy công ty (dù lớn hay nhỏ) mà không bán hàng chứ ? Không bán sản phẩm thì bán dịch vụ, không bán vật chất thì bán tinh thần. Từ ông “Bin Gết” đến bà “Bin Gà” (tức bà Bin bán gà ở chợ Cóc gần nhà tôi) đều kiếm tiền từ bán hàng cả đấy thôi. Tôi cũng vậy, tôi tự tin và thấy việc ấy rất phù hợp với mình. Tôi muốn trở thành một người bán hàng thành công. Những sáng tạo liên tục trong kinh doanh giúp tôi luôn giữ được khách hàng cũ và tăng thêm khách mới. Được khách hàng tin cậy và yêu mến như một người bạn tốt là điều tôi vui sướng nhất, còn hơn cả tiền bạc.
“Quả” thứ tư của tôi bắt đầu cách đây chưa lâu. Ý tưởng này được nảy sinh từ thực tế, khi tôi quyết định bán một ngôi nhà trong ngõ để thêm tiền mua ra mặt phố. Nhận thấy những bức xúc chung của xã hội, sẵn nhà “trồng” được, tôi lập một trang web chỉ đăng quảng cáo nhà đất có hình ảnh thật và đích thực chủ nhà “xịn”. Số lượng ảnh, video không hạn chế, miễn sao để người xem có được nhiều thông tin nhất (chủ nhà cũng đỡ mất công tiếp khách vào xem rồi chẳng được việc gì). Mọi thông tin đều công khai minh bạch mà người truy cập không bao giờ mất phí. Còn chủ nhà (tức người cần quảng cáo) sau này tôi sẽ thu một khoản duy nhất là 200 ngàn (trọn gói mọi việc từ đi chụp ảnh, quay video rồi đăng quảng cáo cho đến khi họ hoàn tất mọi việc). Hiện giờ thì tôi miễn phí hoàn toàn. Tôi muốn đem lại một công cụ hữu dụng thực sự cho cộng đồng, khi ai ai cũng biết đến thì tôi mới thu tiền cũng chưa muộn.
Tôi rất tự tin vì trang web của tôi được xã hội đón nhận nhiệt tình, khách hàng nhân lên mỗi ngày. Quan điểm kinh doanh của tôi rất rõ ràng: người dùng có lợi, xã hội có ích, thì mình sẽ có công.
Vợ chồng tôi thường bàn bạc mọi vấn đề với nhau, cho dù mỗi người một việc. Anh ấy giúp tôi tăng cường ý chí, quyết tâm và mạnh dạn hơn. Còn tôi “trả công” lại bằng những ý tưởng sáng tạo mới và triển khai đưa nó vào thực tế. Khi bắt tay vào kế hoạch nào cũng vậy, mọi vấn đề lớn nhỏ tôi đều làm ở mức độ tốt nhất có thể (không bỏ qua và xem nhẹ bất cứ một cái gì).
Sau bảy năm cắp tráp học hỏi trên thương trường, tôi thấy rằng: tiền có thể vay, nhân công (các chuyên môn) có thể thuê nhưng “đầu óc” và đam mê thì phải là của mình. Có như thế mới đủ trí tuệ, nghị lực, quyết đoán và nhiệt huyết để vượt qua những khó khăn. Còn việc mình làm không đúng ngành học cũng chẳng ảnh hưởng gì lắm. Các đồng nghiệp cũ vẫn gọi tôi là kẻ “mất dạy” (tức là mất nghề dạy học). Còn đồng nghiệp mới trong lĩnh vực kinh doanh thì gọi tôi là kẻ “cướp nghề”. Thế nào tôi cũng vui.
Tôi còn thấy xã hội hiện nay có cực nhiều cơ hội dành cho những người say mê lập nghiệp. Bao nhiêu mặt hàng, bao nhiêu sản phẩm, dịch vụ là bấy nhiêu cơ hội chứ ở đâu xa. Từ tăm xỉa răng, giấy lau miệng hay cửu vạn, đồng nát… lĩnh vực nào cũng có đại gia “mọc” lên. Không nhất thiết phải chờ đợi một ý tưởng mới chưa ai làm bao giờ. Chúng ta có thể dùng chính những cái cũ còn nhiều bất cập để mở ra một hướng đi mới, phù hợp với công cụ mới, đem lại hiệu quả cao hơn cho người sử dụng. Có sản phẩm tốt, dịch vụ tốt là có đường đi đến thành công rồi.
Trên đây là những bộc bạch “gan ruột” của tôi nhân đọc bài “học xong đại học em sẽ làm gì” của Lê Huỳnh Viết Phong. Tôi thấy em cũng giống như bản thân mình ngày trước. Mong rằng em sẽ có quyết định đúng để nếu thất bại cũng không hối hận.