28 thg 7, 2011

Mẹ kế

Ông khi đó là anh giáo làng góa vợ, nghèo xơ nghèo xác, lại còn nuôi hai đứa con trai ở tuổi ẩm ương và một bà mẹ già yếu.
 

Hình chỉ có tính chất minh họa.
 
Bà lúc ấy chưa đến ba mươi, đã qua một đời chồng. Cũng do lấy nhau ba năm mà chẳng có con, bà bị mẹ chồng và cả gia đình nhà chồng ghẻ lạnh, thậm chí là đánh đập và bắt bỏ chồng.

Bà về nhà mẹ đẻ, hai tháng sau anh chồng lấy vợ khác, năm sau họ có một thằng con trai kháu khỉnh, mọi “tội lỗi” vô sinh đổ lên đầu bà. Đã thế họ còn bắn tiếng sang bà là “người độc không con” khiến bà càng thêm cạn khô dòng nước mắt, sống thu mình.

Thế rồi bà tham gia vào hợp tác xã, có tổ chức lớp học chữ xóa mù, gặp ông xung phong dạy miễn phí cho trẻ em nghèo. Hai người đồng cảnh ngộ cứ thế quý mến rồi bén duyên nhau. Nhà ông không ai ý kiến gì nhưng bên nhà bà thì ngầm phân tích, phản đối, giờ phải làm mẹ kế, lại còn bà mẹ chồng và gia cảnh ấy, thì cũng khốn cùng cho đến hết đời thôi.

Nhưng ông bà vẫn quyết tâm.

Anh lớn nhà ông khá ngoan, còn cậu út tuy ngang tàng nhưng cũng là đứa tình cảm. Bà tìm hiểu tính nết từng đứa, rồi dành toàn bộ tình cảm của mình cho ông và các con, hết lòng với mẹ chồng song do tuổi cao nên chỉ vài năm sau bà mẹ chồng cũng qua đời.

Hàng xóm ai cũng khen bà tốt nết, biết thu vén và cư xử với các mối quan hệ khá “nhạy cảm” trong gia đình.

Khi cậu út lên cấp hai, bà bỗng phát hiện mình có thai. Niềm hạnh phúc quá đỗi mới mẻ này khiến bà dường như chẳng dám mơ gì thêm.

Với các con chồng, bà vẫn đối xử trước sau như một, không kể lể, nói nhiều mà hành động, dành tình thương cho chúng. Tình cảm phải để thấm dần, qua thời gian mới có thể hiểu được.

Duy có một lần bà đã ngồi nói chuyện riêng với anh Út rất lâu, là khi anh vừa tốt nghiệp cao đẳng, ra trường chẳng chịu làm ăn nghiêm chỉnh, làm thì ít chơi thì nhiều, lương vừa lĩnh xong đã hết, chưa kể thi thoảng lại về xin tiền bố mẹ. Cho đến một lần anh làm càn, vay tiền bạn bè để đánh bạc, hết lại về xin.Ông liền cầm cán chổi dồn đánh, anh vùng vằng bỏ đi sau khi “ăn” hai gậy từ bố, ra đến cổng thì thấy bà đang hớt hải chạy đến, ra là bà vừa vội chạy đi vay tiền. Sau đó bà kéo anh ra phía ngoài ngõ nói chuyện.

“Bố con đã về hưu, sức khỏe lại không được tốt, mẹ cũng thế. Giờ còn phải lo cho con út. Bố mẹ đã nuôi các con lớn, có bằng cấp rồi thì chịu khó làm lụng, đừng đua đòi. Với mẹ, con nào cũng là con, mẹ chẳng tiếc gì, chỉ có điều, nhà mình thực sự khó khăn, tiền vất vả kiếm được mà con tiêu pha không suy nghĩ như thế là không được. Đây là tiền mẹ vay dì Thuận, sang tháng có tiền bán lạc mẹ sẽ trả dì ấy, giờ con đem mà trả nợ, từ nay liệu đường mà làm, mà ăn…”.

Anh im lặng rồi lầm lũi bước đi. Đó là lần cuối cùng anh cầm tiền của bà, anh chỉn chu dần, ít về nhà hơn vì đi lên mạn ngược làm cho một công ty giấy mới mở. Anh cần mẫn học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và vẫn chăm chỉ gọi điện về thông báo tình hình cho gia đình.

Mười lăm năm trôi qua, anh hiện đang là phó giám đốc của một công ty lớn, cũng nhờ nỗ lực, lòng quyết tâm và ý chí không ngại khó của mình.

Hàng tháng anh vẫn về chơi, chu cấp tiền cho bố mẹ, để họ yên tâm nghỉ ngơi, và còn sang sửa cửa nhà cho tươm tất, khang trang, đồng thời tài trợ cho cô em cùng cha khác mẹ học xong đại học, lo công ăn việc làm…

Hôm bà bị tai biến mạch máu não đột ngột, tưởng không qua khỏi, anh nhận tin mà bỏ hết công việc, phóng về quê, tức tốc thuê xe đưa bà lên tuyến tỉnh. Mọi người xuýt xoa vì đám tiền anh chi ra để cấp cứu, thuốc thang bồi dưỡng bác sỹ hòng mong bà được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất...

Còn bà thực sự xúc động khi dần hồi tỉnh lại, thấy anh ngồi bên giường bệnh khẽ cầm tay bà: “Mẹ phải sớm bình phục và khỏe mạnh đấy nhé! Mẹ bảo khi nào cô út đi làm, sẽ xuống ở chơi với chúng con lâu cơ mà”. Bác sỹ đứng quanh khi ấy, chẳng ai nghĩ bà là mẹ kế.