23 thg 8, 2011

Bệnh thuỷ đậu

- Từ hơn một tháng nay, tại các bệnh viện ở Hà Nội số bệnh nhân thuỷ đậu nhập viện ngày càng tăng nhanh. Bệnh nhân không chỉ là trẻ em mà thậm chí cả người lớn. Các bác sĩ cho biết, bệnh sẽ phát triển mạnh trong thời điểm giao mùa, xuất hiện ở nhiều địa phương và có nguy cơ bùng phát thành dịch. TS đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Nguyễn Hồng Hà – Phó Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia.
Thưa ông, bệnh thuỷ đậu thường phát triển mạnh vào thời gian nào và những nguyên nhân nào thường dẫn đến mắc bệnh?
Bác sỹ Nguyễn Hồng Hà: Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân thủy đậu từ hơn 1 tháng nay. Hiện nay, bệnh viện đang điều trị cho hơn 20 trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu. Bệnh thuỷ đậu thường phát triển mạnh nhất vào dịp cuối xuân, thời tiết giao mùa. Thủy đậu (còn gọi là bỏng rạ, trái rạ) do virus Varicella zoster gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp (nước bọt, dịch tiết khi ho, hắt hơi...) và qua tiếp xúc trực tiếp với dịch từ nốt đậu bị dập vỡ, do đó, khả năng lây truyền bệnh rất nhanh.
Triệu chứng thường gặp là trẻ sốt nhẹ trong 2-3 ngày, sau đó trên da xuất hiện các chấm đỏ, bắt đầu từ đầu, mặt, cổ rồi đến bụng, ngực, chân, gây cảm giác ngứa rát… Trên các chấm này hình thành nốt phồng lớn dần (đường kính 3-4 mm), sau đó khô đi và bong vảy. Nguyên nhân xuất hiện bệnh thuỷ đậu là do cơ thể người bệnh giảm miễn dịch, không đủ kháng thể tự nhiên để bảo vệ trước sự tấn công của virus thuỷ đậu. Tuy nhiên, thời gian gần đây không chỉ trẻ em dưới 10 tuổi mà còn cả người lớn cũng bị mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị mắc bệnh thuỷ đậu trong nửa đầu của thai kỳ có thể gây dị dạng ở não bộ, da… của bào thai. Nguy hiểm hơn, nếu người mẹ mắc bệnh thuỷ đậu trong vòng 1 tuần trước và sau khi sinh thì trẻ em sinh ra có nguy cơ tử vong cao.
Cách phòng và chăm sóc bệnh nhân thuỷ đậu như thế nào, thưa ông?
Thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng nếu không đảm bảo vệ sinh, nó rất dễ gây biến chứng bội nhiễm, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, viêm gan, viêm phổi… nhưng hiếm gặp. Nếu người bệnh bị dẫn đến các biến chứng trên có nguy cơ tử vong rất cao. Nếu nhiễm trùng, nốt thuỷ đậu sẽ để lại vết sẹo vĩnh viễn trên cơ thể. Vì vậy, để phòng tránh thuỷ đậu cách tốt nhất là tiêm vacxin. Theo thống kê tại các bệnh viện cho thấy cứ 10 trẻ em nhập viện điều trị thuỷ đậu thì có 9 em chưa được tiêm vacxin phòng bệnh.
Người lớn cũng cần phải được tiêm phòng bệnh thuỷ đậu, ngay những người đã tiêm phòng có thể tiêm lại để tăng cường miễn dịch. Vì vậy, trẻ mắc bệnh này cần được cắt móng tay, giữ tay sạch sẽ để tránh gãi xước da và vỡ nốt đậu. Bệnh nhân vẫn cần được tắm nhanh bằng nước ấm, không nên tin theo quan niệm dân gian là kiêng nước kiêng gió một cách triệt để khiến các nốt đậu bị nhiễm trùng.
Bệnh thủy đậu có thể chữa khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng nếu phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách. Đối với bệnh nhân mắc bệnh này thì cần phải được cách ly để điều trị tại các cơ sở y tế. Nhưng do không nhận thức đúng về bệnh thủy đậu, nên hiện nay phần lớn người mắc bệnh đều không đến điều trị tại các cơ sở y tế mà chữa tại nhà bằng phương pháp dân gian, không đảm bảo vệ sinh nên dễ dẫn đến bội nhiễm. Không ít người mặc bệnh sau đó đã để lại di chứng là sẹo thâm trên mặt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Các vết thâm do thủy đậu thường phải sau hàng tháng mới hết hẳn. Các bà mẹ không nhất thiết phải bôi nghệ vì nhựa nghệ thậm chí còn làm vết thâm lâu nhạt màu hơn. Khi có biểu hiện nghi ngờ thủy đậu, cần đưa trẻ đi khám để được chỉ định điều trị đúng. Ngay khi các nốt đậu xuất hiện, cần bôi ngay acyclovir - thuốc kháng virus đặc hiệu với bệnh thủy đậu và herpes. Các tổn thương sẽ nhanh bị khống chế, giảm khả năng nhiễm trùng.
Nếu bệnh nặng, có thể phải dùng acyclovir dạng uống. Với những nốt đậu dập vỡ, bị gãi xước, cần bôi Xanh Methylene, dung dịch có tác dụng diệt khuẩn, làm se các nốt, tránh bội nhiễm.Thủy đậu rất dễ lây và thành dịch. Virus lan truyền từ người bệnh sang người lành chủ yếu qua đường hô hấp. Do đó, trẻ bị thủy đậu cần nghỉ học, cách ly 7-10 ngày. Những người tiếp xúc với bệnh nhân vẫn kịp tránh lây thủy đậu bằng cách tiêm văcxin, vì văcxin có hiệu lực sau 3-5 ngày, trong khi thời gian ủ bệnh là khoảng 2 tuần. Không dùng chế phẩm này cho phụ nữ mang thai, những phụ nữ khác không nên thụ thai trong vòng 3 tháng sau tiêm.