26 thg 7, 2011

Cướp” sim số đẹp, nhà mạng vô can?

Thích sim số điện thoại đẹp, nhiều người bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua. Giao dịch hợp pháp tại quầy của nhà mạng xong, sử dụng chưa được bao nhiêu bữa bỗng nhiên số... bị cắt.
Nạn nhân của các vụ này đều thuộc dịch vụ của Vinaphone. Nhiều dấu hiệu cho thấy các sự việc diễn ra liên quan đến một đường dây lừa đảo.
Lê Khánh Châu viết giấy xác nhận đã bán sim số đẹp cho ông Sang và hoàn tiền cho nạn nhân - Ảnh: Tuổi trẻ
Mánh khóe “cướp” sim
Đọc được tin rao bán sim số 0914856789 của một người tên Dang Van Sang trên trang web, ông Nguyễn Thành Sang ở TPHCM hỏi mua. Thống nhất giá 35 triệu đồng, chiều hôm đó hai bên ra quầy dịch vụ của Vinaphone trong khu mua sắm Đệ Nhất Phan Khang trên đường Hoàng Văn Thụ làm thủ tục thay đổi thông tin thuê bao.
Trên phiếu yêu cầu thay đổi dịch vụ trả trước, người bán ghi tên Nguyễn Minh Nhật, có số CMND và địa chỉ cư trú hẳn hoi.
Ngày 28/6, ông Sang bán lại sim trên cho một người ở Hải Phòng. Đến ngày 5/7, ông này gọi lại cho biết sim đã bị khóa và ông Sang phải trả lại tiền. Khi tìm cách liên lạc với Nguyễn Minh Nhật thì thông tin Nhật khai trong phiếu yêu cầu thay đổi dịch vụ đều là giả và số điện thoại của Nhật không gọi được.
Ông Nguyễn Thành Sang đến điểm giao dịch Vinaphone 80 Nguyễn Du, TPHCM khiếu nại. Bà Phạm Thị Bích Châu, cửa hàng trưởng, cho biết ngày 4/7 có người gọi lên tổng đài báo mất sim đã nêu, đồng thời có một người tên Mỹ ở Hà Nội đã ra trung tâm Vinaphone đòi sim.
Sau khi kiểm tra số sêri sim mà ông Nguyễn Thành Sang đang giữ, bà Châu cho rằng ông Sang bị lừa và Vinaphone sẽ trả số cho người cầm sim gốc.
Một cái tên trong nhiều hồ sơ tranh chấp
Một người trong giới chơi sim cho biết anh từng mua sim số đẹp của người bán cũng mang tên Nguyễn Minh Nhật và có số CMND y hệt với người có tên Nguyễn Minh Nhật đã bán sim cho ông Sang. Qua điều tra, chúng tôi xác định người sử dụng CMND tên Nhật có tên thật là Lê Khánh Châu. Người này còn sử dụng CMND giả để đăng ký thông tin nhiều sim số đẹp.
Qua các lần liên lạc, chiều 15/7 Châu hẹn gặp ông Nguyễn Thành Sang để trả tiền. Có hai người đàn ông đi cùng Châu và đề nghị ông Sang không trình báo công an để tránh ảnh hưởng đến công ty của họ.
Bà Nguyễn Thị Phấn - Trung tâm dịch vụ khách hàng Công ty dịch vụ Viễn thông Sài Gòn, người tiếp nhận và xử lý vụ tranh chấp sim liên quan đến ông Nguyễn Thành Sang - cho biết cái tên Nguyễn Minh Nhật đang nằm trong nhiều hồ sơ tranh chấp số tại Vinaphone.
Không loại trừ khả năng các vụ tranh chấp sim số đẹp đang xảy ra trong thời gian gần đây là do một nhóm người thực hiện. Những người này không chỉ nắm rõ nghiệp vụ Vinaphone mà còn biết rất rõ điểm giao dịch nào của Vinaphone có nhân viên mới chưa có kinh nghiệm để đến mua bán sim.
Thủ đoạn lừa đảo của chúng là lợi dụng quy định Vinaphone cho phép sang tên số đẹp bằng sim Eload (sim chức năng của đại lý).
Chiêu của kẻ lừa đảo là theo dõi số đẹp trên hệ thống, khi thấy sim số nào ít hoạt động họ sẽ dùng sim Eload cắt số này, đăng ký thông tin giả để tạo trung gian bán số, khi người giữ sim gốc phát hiện mất số và báo cho nhà mạng, nhà mạng sẽ trả số cho họ.
Một chiêu khác là chính kẻ lừa đảo sở hữu sim số đẹp, tự sang tên qua một số CMND giả để cắt lấy sim mới, sau đó mang bán chiếc sim mới này. Sau khi thu được tiền, chúng sẽ mang sim gốc và CMND thật của mình ra đại lý khiếu nại lấy lại số đã bán.
Nhà mạng vô can!
Bà Phạm Thanh Nhàn - phó đài khai thác Trung tâm Vinaphone 2 - cho biết các vụ lừa đảo tranh chấp số đã diễn ra từ rất lâu, rất thường xuyên, không riêng với nhà mạng Vinaphone và tập trung nhiều ở miền Bắc. Do quy định một người chỉ được đứng tên ba số điện thoại nên thực tế có trường hợp nhờ người khác đứng tên dùm.
Đối với thuê bao trả trước, bất kỳ ai mang CMND ra và khai đủ mười số điện thoại thường liên lạc thì Vinaphone sẽ cấp lại sim. Vinaphone không thể phân biệt CMND giả hay thật và giấy CMND không quan trọng đối với Vinaphone.
Việc mua bán sim số là việc riêng của người sử dụng dịch vụ, Vinaphone không thực hiện hay xác nhận việc chuyển quyền sở hữu cho thuê bao trả trước, do vậy phiếu yêu cầu thay đổi dịch vụ trả trước không phải là giấy chuyển quyền sở hữu sim số.