Nhiệt độ thấp, bít bùng, đông người của các văn phòng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho phụ nữ mang thai
Từ lúc cái thai trong bụng bước sang tháng thứ 4, chị V. được chuyển đến bộ phận văn phòng của công ty để làm những việc nhẹ nhàng hơn. Thế nhưng chưa đầy hai tháng sau, chị đã phải đến bác sĩ vì bị viêm mũi kéo dài, đau mắt, tê phù chân tay.
Phòng kín không hẳn an toàn
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, có rất nhiều thai phụ làm việc văn phòng đã gặp những vấn đề về cột sống, hô hấp, stress, các bệnh nguy hiểm lây qua đường hô hấp… Môi trường nhiệt độ thấp, bít bùng, đông người của các văn phòng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh do lưu giữ nhiều vi khuẩn, bụi, không khí không được sát khuẩn bởi ánh nắng. Cơ thể phụ nữ mang thai thường yếu, đề kháng không cao nên dễ mắc các bệnh nguy hiểm lây qua không khí như cảm, cúm, Rubella…
Khám và tư vấn cho thai phụ ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM |
“Đáng lưu tâm nhất là trong mùa dịch tễ, các thai phụ dễ nhiễm bệnh. Bệnh lý và stress trong thời gian này sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển của bào thai, biến thai kỳ thành thai kỳ nguy cơ, có thể để lại di chứng cho thai nhi, sinh non…” – bác sĩ Thông khuyến cáo và cho biết thêm rằng người ta thường chú ý đến những phụ nữ mang thai làm công việc nặng nhọc, độc hại. Tuy nhiên, mỗi công việc có những đặc điểm riêng và đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Cho rằng công việc ở văn phòng là nhẹ nhàng và an toàn cho thai phụ là hoàn toàn sai lầm.
Theo các bác sĩ chuyên khoa sản, nếu khó khăn của những thai phụ lao động chân tay là phải thực hiện nhiều công việc mệt nhọc thì khó khăn của thai phụ làm việc ở văn phòng chính là việc phải ngồi một chỗ. Ngồi lâu sẽ ảnh hưởng đến lưu thông của mạch máu, nhất là khi thai đã lớn. Thai phụ nên tận dụng những lúc có thể để đứng lên đi lại nhẹ nhàng, nếu phải ngồi lâu thì thỉnh thoảng nên đổi tư thế, xoay trở bàn chân, xoa bóp nhẹ nhàng. Việc đi lại, vận động nhẹ nhàng còn hỗ trợ việc sinh nở sau này dễ dàng hơn.
Lưu ý bữa cơm văn phòng
Bác sĩ Nguyễn Vũ Linh, chuyên khoa dinh dưỡng, Trung tâm Phòng chống chấn thương và Các bệnh không lây TPHCM, khuyên khi mang thai, người phụ nữ nên bỏ hẳn quan niệm ăn cho qua bữa đối với bữa cơm văn phòng. Cơ thể thai phụ đòi hỏi chế độ dinh dưỡng đặc biệt, giàu vitamin, khoáng chất để bảo đảm cho sự phát triển của bào thai và cả sức khỏe bà mẹ. Do vậy, các thai phụ cần lưu ý chuẩn bị chu đáo hơn cho bữa ăn, lựa chọn những món ăn giàu dinh dưỡng, có thể mang theo sữa, trái cây… để làm phong phú thêm khẩu phần…
Theo các chuyên gia về sản khoa thì những thai phụ phải làm việc nhiều với máy tính cần tìm những khoảng nghỉ nhằm tránh việc lao động trí óc quá mệt nhọc gây stress cũng như việc bào thai phải tiếp xúc lâu và liên tục với các thiết bị phát ra sóng điện từ. Ít nhất nên nghỉ một lần sau 1-2 giờ làm việc. Nếu buộc phải mặc đồng phục thì nên báo cáo với người sử dụng lao động sớm khi vừa có thai để được mặc những bộ quần áo thoải mái, phù hợp hơn với thai kỳ, tránh những trang phục bó, gây chèn ép thai nhi.
Chú ý tư thế ngồi và đứng Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông khuyến cáo thai phụ rất cần chú ý khi phải ngồi hoặc đứng lâu để làm việc. Khi ngồi, nên giữ lưng thẳng, chọn chỗ đặt chân thoải mái, để bàn phím máy tính vừa tầm để không phải điều tiết mắt quá nhiều hay ngồi khom lưng khi thao tác. Khi phải đứng lâu hoặc đi nhiều nên chọn tư thế để cột sống được thoải mái hơn là gò ép vào các tư thế “đẹp”; chọn một đôi giày vững chãi, đế không quá cao để phòng tránh té ngã đồng thời bảo đảm cho việc di chuyển được thoải mái, không đè nén cột sống. Ngoài ra, không nên giữ yên một tư thế quá lâu. |
Theo NLĐ